LỜI GIỚI THIỆU SÁCH
TỪ LÀNG ĐẾN NƯỚC MỘT CÁCH TIẾP CẬN LỊCH SỬ
(Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010)
Năm 1956, rời làng Diễn Quảng, Diễn Châu, anh thanh niên 20 tuổi Phan Đại Doãn - học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng - Nghệ An ra thủ đô Hà Nội, trở thành sinh viên khoá đầu tiên của Khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ 1995 là khoa thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Đến nay, Phan Đại Doãn đã hơn nửa thế kỷ gắn bó máu thịt với Khoa Lịch sử, với ngành Lịch sử.
Thống kê chưa đầy đủ, thư mục công trình nghiên cứu đã công bố của Phan Đại Doãn (tính đến năm 2005) có con số 151.
Qua 50 năm, từ khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử, tính bình quân mỗi năm ông công bố 3 công trình. Cũng có đôi năm không thấy ông xuất hiện trên các tạp chí, nhưng có năm công bố đến 10 bài!
Con số ấy không nhiều, nếu biết rằng, trong thư mục công trình của ngành Sử học, không ít tác giả có đến hàng vài trăm bài viết!
Hẳn không phải số lượng đồ sộ các công trình, bài viết đã làm nên một Phan Đại Doãn - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước.
Đầu những năm 1960, khi vừa mới tốt nghiệp, ở lại Khoa Lịch sử công tác, Phan Đại Doãn đã cùng đồng nghiệp lớn của mình - Giáo sư Phan Huy Lê, khởi thảo cuốn sách đầu tiên. Và năm 1965, khi cả nước bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, cuốn Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào đấu tranh giải phóng đất nước vào đầu thế kỷ XV xuất bản lần đầu tiên. Cùng Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn và nhiều khoá sinh viên khoá 7, khoá 8 đến khóa 15, 16, 17 có mặt trên hầu khắp các địa bàn từ miền tây Thanh Hóa với Lũng Nhai, Lam Sơn,... Nghệ An - Hà Tĩnh qua hết Tân Kỳ, Con Cuông, Thiên Nhẫn, Lục Niên, Hương Sơn, Thạch Hà, ra Bắc Giang, lên Lạng Sơn... để lần theo bước chân của những người anh hùng thế kỷ XV. Đến nay, Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào đấu tranh giải phóng đất nước vào đầu thế kỷ XV đã được nhiều lần bổ sung, tái bản. Cùng với những Tám mươi năm chống Pháp, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII,... làm thành bộ sách nổi tiếng - cổ điển của ngành Sử Việt Nam.
Có học trò - đồng nghiệp tặng Ông bức thư pháp “Khai canh làng Việt học”! Đúng hơn, Ông là một nhà thâm canh, cày sâu cuốc bẫm trên mảnh ruộng đất làng, về nông dân Việt. Trước ông, nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam, của Pháp. Từ P.Gourou, đến Nguyễn Đức Từ Chi... đã từng viết về nông dân, về làng Việt...
Nhưng với Phan Đại Doãn, từ đầu những năm 1970, ông đã về vùng đất Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình), dẫn theo sinh viên chuyên ngành Lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại các khoá 13, 14, rồi 17, 18 tìm hiểu các công cuộc khai hoang, lập ấp ở Kim Sơn, Ninh Nhất, Hoành Thu, Tiền Hải, Cống Thuỷ, Côi Trì... Chính những năm tháng này, Phan Đại Doãn nhận ra tâm thức của những nông dân nghèo từ vùng trung châu Bắc Bộ khi “đứng trước biển” là tìm đến đất, là quay về làm ruộng lúa, là mang theo phần tên làng quê cũ của mình, thiết lập làng xóm với những quy hoạch lý, ấp, trại, giáp ở vùng quê mới. Phan Đại Doãn tiếp tục kiểm định và phát triển thành “sự tái sinh - tái lập” chất nông thôn, tiểu nông - của nền sản xuất tiểu nông người Việt.
Phan Đại Doãn đã lặn lội ở hầu khắp các “làng thủ công nghiệp” của xứ Đoài, xứ Bắc, xứ Đông, vào Thanh, Nghệ, rồi Bình Định... Từ đó, ông nhận thấy ở đó chất đa nguyên và chặt của kết cấu kinh tế, xã hội của làng - xã Việt, dấu ẩn tàng của chất tiểu nông làng xã trong các giai tầng xã hội, các mô hình cấu trúc, tương tác của phường hội, của đô thị, của con người, văn hoá, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, tư tưởng Việt Nam không chỉ riêng thời Cổ - Trung đại...
Những bài viết - phát ngôn khoa học của Phan Đại Doãn, không vội vã tuyên ngôn, không ồn ào, kinh viện. Trải nghiệm từ thực tiễn nửa thế kỷ mắt thấy, tai nghe, chân đi “kiến - văn - thực - lự”... mà ngẫm suy, bền bỉ, lắng sâu, lần, tìm khơi đúng mạch. Do vậy, khi thức nhận, thăng hoa, thì tinh, sâu, bền, toả khơi thành dòng, thành hướng mới nghiên cứu về nông thôn, nông nghiệp, làng - xã Việt. Chính vì thế, những nghiên cứu của Ông hữu ích cho hiện tại. Những đề xuất của Ông trong cách nhìn, các tiếp cận về quản lý, xây dựng nông thôn, thẩm định về Hợp tác xã nông nghiệp, về làng xã miền núi,... trở nên khả thi. Nhiều học trò - đồng nghiệp tiếp tục, phát triển hướng nghiên cứu của ông, đã và đang bước vào độ chín.
Là thầy giáo, nhà nghiên cứu khoa học chân chính sau nhiều thập niên, thậm chí cả cuộc đời, hẳn ai cũng khát, mơ điều đó! Nhưng không phải ai cũng đạt đến điều này.
Từ làng quê bên lèn Hai Vai - phủ Diễn, đến với thủ đô, với cả nước, quá trình nhập thân thành nhà giáo, trí thức, khoa học của Phan Đại Doãn có nét riêng trong phong cách, dòng phái sử học Khoa Sử Tổng hợp - không trộn lẫn, không giống bất kỳ một ai trong những nhà Sử học Việt Nam.
Sinh ra ở Diễn Quảng, nhưng Phan Đại Doãn thuộc “tạng” ngại quảng giao, mà nặng chất thâm, thân giao. Đến với Ông, lớp học trò - các nhà nghiên cứu dưới bậc tuổi của Ông như Lê Sỹ Giáo, Nguyễn Quang Ngọc, Trần Thị Vinh, Đỗ Bang, Nguyễn Hải Kế, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Minh Tường, Nguyễn Hồng Dương, Vũ Duy Mền, Trương Thị Yến, Bùi Xuân Đính, Phạm Thuỳ Vinh, Nguyễn Văn Kim, Vũ Văn Quân... như được trở về với dung dị, chân tình, cởi mở, thẳng thắn đổi trao, thảo luận những ý kiến, giả thiết khoa học.
Đến với Làng, với Nước... Phan Đại Doãn đã xuất phát từ chính trang đời - nơi mặn mòi gió Lào, cát trắng của phủ Diễn - Nghệ An và trải nghiệm qua muôn nẻo làng quê nước Việt. Chất Phan Đại Doãn là chất lão thực. Thực - như quả cà xứ Nghệ “càng mặn lại càng giòn”, như hạt lạc, củ lang, trái cam... xứ Nghệ, trải nắng rát, mưa quây trên cát bỏng để lọc kết thơm, bùi, lành, ngọt, mát với đời.
Khoa Lịch sử đã sắp 55 năm (1956 - 2011). Lớp sinh viên khoá đầu tiên - như Phan Đại Doãn, cũng đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”.
Xưa nay hiếm không chỉ về tuổi tác, mà công trình, kết quả nghiên cứu, ý tưởng gợi mở từ hướng nghiên cứu của Ông. Sản phẩm nghiên cứu, đào tạo và phẩm cách Phan Đại Doãn trở thành Khoa bảo - Khoa Lịch Sử - Trung tâm nghiên cứu lớn, có uy tín khoa học; trở thành Quốc bảo - với thế hệ những nhà giáo, nhà khoa học của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ Làng đến Nước - Một cách tiếp cận lịch sử không chỉ là tên một tuyển các bài nghiên cứu, một hướng tiếp cận của Phan Đại Doãn - bằng con đường gian khổ từ tuổi thanh xuân đến nay đã trải nghiệp, dấn mình, mà quan trọng và trân trọng với chúng tôi, còn là gửi truyền, tâm đắc, chỉ dẫn của Ông tới các lớp học trò, đang và sẽ là đồng nghiệp của thế hệ Ông trên chặng đường đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Hà Nội, mùa Thu 2009
PGS. TSKH. Nguyễn Hải Kế
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 01-05-2010.
Ý kiến bạn đọc
Thứ sáu - 10/01/2025 17:01
Thứ sáu - 10/01/2025 11:01
Thứ năm - 09/01/2025 14:01
Thứ năm - 09/01/2025 12:01
Thứ ba - 07/01/2025 09:01