PHÁT HIỆN KHU LÒ ĐÚC MŨI TÊN ĐỒNG
TRONG THÀNH NỘI CỔ LOA
PHẠM MINH HUYỀN, LẠI VĂN TỚI,
TRẦN ANH DŨNG, NGUYỄN ĐĂNG CƯỜNG
Theo kế hoạch tu bổ và tôn tạo khu đền An Dương Vương hay đền Thượng như cách gọi của nhân dân ở Cổ Loa, của Ban QLDT&DT Hà Nội. Viện Khảo cổ học đã được mời thực hiện hạng mục đào khảo cổ. Đây là cuộc khai quật đầu tiên được diễn ra trong khu vực thành Nội của khu di tích Cổ Loa nổi tiếng.
Cuộc khai quật khảo cổ đã được tiến hành từ ngày 10 - 1 - 2005, đến hết tháng 3 - 2006. Chúng tôi đã đào 6 hố, hố H1, H2 ở phía Đông của đền, H3 ở phía sau đền. Hố H4 ở phần bờ thành làm tay ngai bên phía Đông, đồng thời cũng là một đoạn thành Cổ Loa xưa. Hố H5, H6 là hai mắt rồng trước đền. Tại cả 6 hố đào chúng tôi đều phát hiện được lớp có chứa những di tích được chúng tôi gọi là giai đoạn Cổ Loa hay lớp Cổ Loa. Trong hố H1, H2, H3 là lớp văn hoá thứ ba, tại hố H4 là các lớp đất đắp thành, tại hố H5, H6 là lớp đất cuối cùng có chứa gốm “Cổ Loa”.
Tại lớp Cổ Loa ở các hố H1, H2 đã phát hiện được lò đúc mũi tên và những di tích có khả năng liên quan đến lò đúc. Vì tầm quan trọng của những phát hiện này, chúng tôi xin thông báo riêng khu lò đúc.
Di tích lò đúc: Ở hố H3 một phần còn nằm trong vách Bắc của hố khai quật.
Lò xuất hiện ngay trên mặt lớp Cổ Loa trong một vùng đất có hình chữ nhật gần 3m2, không kể phần còn lại nằm trong vách Bắc.
Nửa di tích đã xuất lộ, chúng tôi mới chỉ bóc đi lớp đất trên cùng. Được sự đồng ý của ông giám đốc Ban QLDT & DT Hà Nội, chúng tôi đã dừng xử lý khu lò này để đợi trình một phương án tiếp tục mở rộng khai quật khu lò, đồng thời giữ lại để làm khu trưng bày.
Các lớp đất
Trên mặt khu lò là lớp đất thứ nhất, lớp đất cuối cùng khi lò không còn hoạt động nữa. Đất có màu nâu hơi vàng, có lẫn lốm đốm than tro. Trong lớp này tìm được nhiều mảnh ngói Cổ Loa, một số mảnh khuôn đúc, đáng chú ý có một mảnh khuôn có hai chữ Hán được đọc theo âm Hán Việt là “thần học”.
Lớp đất thứ hai, đất màu nâu đen, trong lớp này có các cụm ngói, đá phế thải của khuôn đúc. Đào hết lớp thứ hai, phía ngoài là sinh thổ, phía trung tâm chứa đầy than tro.
Lớp thứ ba chỉ có ở trung tâm, đất đen xám của than tro, chủ yếu là tro.
Lớp đáy là nền sét sinh thổ, những nơi bị nung nóng đất có màu đỏ.
Cấu trúc khu lò: Từ lớp thứ hai cấu trúc của khu lò được nhận biết. Có thể thấy có hai vùng:
Vùng ngoài có nhiều cụm ngói được đặt úp hoặc đặt ngửa một cách có ý thức. Ở góc Tây Nam có một cụm đá khá lớn, chất liệu đá giống với đá của khuôn đúc. Đây là những mảnh khuôn đúc hỏng hoặc phế liệu thải ra khi chế tác khuôn ngay tại khu lò đúc. Nhiều mảnh khuôn đúc vỡ nằm rải rác cùng với những mảnh ngói. Ở góc Đông Bắc có một cụm khuôn đúc nằm chồng chất lên nhau. Tất cả những ngói, đá, khuôn đúc vừa mô tả ở trên gần như làm thành một vành đai xung quanh khu vực trung tâm có than tro.
Vùng trung tâm: Sau khi lấy hết lớp đất thứ nhất và lớp đất thứ hai ở vùng trung tâm hoàn toàn là lớp than tro, chủ yếu là tro. Chúng tôi đã bóc hết lớp than tro ở nửa của khu lò. Đáy của lớp than tro là lớp sét đỏ do chịu nhiệt cao, độ cháy nhạt dần từ trong ra ngoài. Ở giữa nửa phần này có một hố ăn sâu xuống, hố có phần miệng rộng rãi thu dần xuống đáy. Hố này có nhiều khả năng là một lò, có thể tạm dùng thuật ngữ “hố lò” để chỉ loại di tích này. Ngoài “hố lò” này ra ở góc Đông Nam có ba hố nông hơn và không có hình dáng nhất định. Những hố này không phải là “hố lò”. Chắc chắn khu vực lò này sẽ có cả một hệ thống “hố lò”.
Vì chưa xử lý xong khu vực lò đã xuất lộ và chưa khai quật hết toàn bộ khu lò nên bước đầu chúng tôi mới chỉ có thể nhận biết được những nét cơ bản như vậy. Còn rất nhiều điểm chưa thể giải thích được như công dụng của những nhóm ngói trong khu vực lò là gì? Có phải người ta sản xuất khuôn đúc ngay tại khu lò không? Tại sao có những khuôn đúc lại nằm chồng chất thành cụm như vậy?
Di tích liên quan đến lò đúc đồng: Tại hố H2b có hai di tích liên quan đến lò đúc.
Di tích thứ nhất, được ký hiệu là H2F16a, di tích này cũng mới chỉ xuất lộ một phần trong hố đào, phần còn lại nằm trong vách Tây và vách Nam. Khi mới xuất lộ chúng tôi thấy một vùng đất hình chữ nhật có chiều dài 1,50m, chiều ngang 1,0m. Trong quá trình xử lý, di tích dần lộ ra là một hố đào hình bầu dục, một đầu hố xuất lộ trong hố khai quật cong tròn, hố đào có xu hướng thu dần vào giữa như hình lòng chảo. Đáy hố cách mặt lớp Cổ Loa là 1,8m, cách mặt đất hiện nay là 3,2m, trong hố được lấp thành từng lớp và theo hình lòng chảo một cách có ý thức. Có 3 lớp chính, trên cũng là đất màu vàng, trong lớp này cũng có những lớp đất lấp khác nhau, cứ một lớp vàng xám rồi lại đến một lớp vàng đỏ chồng lên nhau. Lớp thứ hai là lớp đất xám đen của than tro, trong lớp này có nhiều mảnh ngói Cổ Loa, và có một cục đá rất nặng chúng tôi nghĩ là quặng. Lớp đất này rất mềm, ẩm ướt. Lớp dưới cùng là lớp xám, than tro có ít hơn lớp thứ hai. Trong lớp này tìm được những mảnh nồi rất lớn. Đáy hố nằm trong lớp sét sinh thổ màu đỏ. Trong cả ba lớp đất lấp đều tìm được những mảnh ngói rất lớn và một số gốm thô.
Di tích thứ hai, được ký hiệu là H2F21. Khi mới xuất hiện khu vực có di tích đất màu hơi xám hơn màu đất vàng của lớp Cổ Loa. Khu vực này có hình gần hình chữ nhật một đầu còn ẩn vào góc Tây của hố khai quật. Phần xuất lộ có chiều dài 1,30m, rộng 1m. Đây là một hố được đào sâu vào lớp sinh thổ đất sét màu đỏ, độ sâu của hố 1,50m, đáy hố cách mặt đất hiện nay là 3,2m. Đất lấp trong hố theo một trật tự nhất định. Trên cùng là lớp đất màu vàng xám, dưới đó là lớp đất sét màu đỏ. Dưới lớp sét màu đỏ là lớp đất nâu xám có lẫn than tro. Dưới cùng là lớp đất sét đỏ và đất xám thành từng dải mỏng xen kẽ nhau. Đáy hố là sinh thổ sét đỏ tươi.
Rõ ràng những gì đã thấy ở hai di tích này không phải là bằng chứng của lò đúc, nhưng chắc chắn rằng chúng có liên quan đến hoạt động của lò đúc. Đó là than tro, mảnh khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh, mảnh phác vật khuôn đúc bị hỏng. Chúng tôi cho rằng đây có thể là những hố chôn những rác thải của khu lò đúc. Quan sát những lò đúc đồng của làng đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) ngày nay, chúng tôi thấy những phế thải của lò đúc được đổ ra xung quanh nhà, cạnh bờ ao. Việc chôn cất những phế thải như ở Cổ Loa ngoài việc làm vệ sinh của khu lò đúc phải chăng còn có ý nghĩa cất dấu những bí mật kỹ thuật đúc mũi tên đồng, vốn là một bí mật quốc gia như truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương đã cho thấy.
Khuôn đúc, phế vật, phế liệu
Trong khu lò H3F3 những hiện vật đã được lấy lên gồm 57 mảnh khuôn đúc mũi tên ba cạnh, 25 phác vật khuôn đúc bị hỏng, 31 mảnh đá phế liệu thải ra từ quá trình chế tác khuôn.
Trong di tích H2bF16a tìm được 6 khuôn đúc mũi tên ba cạnh, 8 phác vật khuôn bị hỏng.
Trong di tích H2bF21 tìm được hai khuôn đúc mũi tên.
Bên ngoài khu lò và những di tích liên quan đến lò đúc, chúng tôi cũng phát hiện được khuôn đúc: hố H1; trong di tích F14, lớp đất lấp có rải đá và mảnh ngói có 1 khuôn đúc mũi tên. Di tích F16 là một giếng cổ, trong giếng đã tìm thấy một khuôn đúc lao cánh én. Trong lớp Cổ Loa tìm được hai khuôn đúc mũi tên.
Hố H2b trong lớp Cổ Loa tìm được một khuôn đúc mũi tên.
Trừ chiếc khuôn đúc hai mang để đúc lao tìm được trong H1F16 còn lại đều là loại khuôn ba mang để đúc ra những mũi tên đồng ba cạnh. Kỹ thuật làm khuôn rất cao. Qua những phác vật khuôn và những khuôn hoàn chỉnh có thể nhận ra cách chế tác khuôn của người xưa. Tất cả khuôn đúc ở đây đều làm bằng loại đá mềm, chúng tôi chưa có kết quả phân tích của loại đá này nhưng chắc chắn nó phải có độ chịu nhiệt cao. Đầu tiên người ta phải tạo được một khối đã ít nhất có một góc vuông làm chuẩn, rồi từ góc vuông này người ta sẽ phạt góc vuông đó đi để tạo thành một góc 1200, như vậy là ba mang của khuôn đúc ghép lại với nhau sẽ thành một ống tròn 3600. Đó các góc ghép khuôn cho con số 1180 - 1250. Mặt ngoài của khuôn có thể không được trau truốt, nhưng mặt giáp khuôn rất nhẵn và phẳng để đảm bảo các mặt khuôn khớp khít vào nhau. Những rãnh nhỏ hoặc gờ nhọn và mảnh ở giữa khuôn để tạo ra các cạnh ở chuôi của của mũi tên rất đều nhau. Đậu rót được bố trí ở đầu khuôn có chuôi tên, dấu ghép khuôn ở đầu khuôn có đầu mũi tên.
Nồi nấu đồng: Tất cả đều bằng đất sét có trộn vỏ trấu. Di tích H2bF16a có 2 mảnh, khu lò đúc H3F3 có 2 mảnh.
Xỉ đồng: Chúng tôi đã sàng tất cả than tro trong khu lò và trong các di tích “hố rác” nhưng chỉ tìm được xỉ đồng trong di tích H2bF16a với số lượng rất ít, 5 cục xỉ. Điều này chứng tỏ rằng người xưa rất tiết kiệm nguyên liệu đồng.
Một số nhận xét
Vậy là sau gần nửa thế kỷ kể từ khi phát hiện ra kho mũi tên đồng chứa hàng vạn chiếc ở khu vực Cầu Vực (năm 1959), chỉ cách đền An Dương Vương chưa đầy 1km, ngày nay chúng ta đã biết được nơi đúc ra những mũi tên này.
Loại mũi tên 3 cạnh độc đáo này được giới Khảo cổ học Việt Nam gọi là mũi tên Cổ Loa từ mấy chục năm qua quả thật không sai.
Khu vực Đền Thượng theo niềm tin của người Cổ Loa là nơi ở của An Dương Vương, với những bằng chứng khảo cổ mà cuộc khai quật mang lại cho chúng ta biết rằng nơi đây có những di tích của thời này, đó là lớp đất cuối cùng chứa những di tích của thời Cổ Loa, đặc biệt là khu lò đúc và những di tích có liên quan đến lò đúc. Chúng ta chưa biết thực sự An Dương Vương có ở đây hay không, với hiện trạng hiện thấy khu vực này nằm ở rìa của thành Nội Cổ Loa, theo chúng tôi nghĩ An Dương Vương có lẽ phải ở khu trung tâm của thành Nội. Cuộc khai quật cho thấy khu vực Đền Thượng là khu đúc đồng, trong đó có đúc mũi tên đồng. Chúng tôi cho rằng khu vực Đền Thượng là nơi ở của thợ thủ công đúc đồng. Những lò đúc ở đây phải chịu một sự quản lý chung về kỹ thuật, nguyên liệu, con người để giữ được bí mật trong việc sản xuất một loại vũ khí quan trọng của quốc gia. Để quản lý cả một khu đúc đồng như ở đây phải là một sự quản lý ở cấp độ “nhà nước”.
Nguồn: Bài in trong Những phát hiện mới về khảo cổ học, 2005, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.182 - 186.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 01-06-2010.
Ý kiến bạn đọc
Thứ sáu - 10/01/2025 17:01
Thứ sáu - 10/01/2025 11:01
Thứ năm - 09/01/2025 14:01
Thứ năm - 09/01/2025 12:01
Thứ ba - 07/01/2025 09:01